Chắc ai đã từng ngồi trên ghế nhà trường, đều học lòng công thức tính này, nhưng thật lạ, ở trường đời thì lại ít chịu áp dụng công thức này vào cuộc sống.
1/ Ai cũng muốn giàu có, nhưng chẳng bao giờ làm tính NHÂN. Nó không đơn thuần chỉ là NHÂN số lượng, quy mô, thời gian, giá trị của sản phẩm mà sâu xa hơn đó chính là Nhân cách và Nhân từ.
Khi ta không gia cố nền móng Nhân cách, thực thi lòng Nhân từ thì khó mà khơi thông dòng chảy thịnh vượng trong mỗi con người.
2/ Nếu muốn có nhiều cơ hội, phúc đức, mối quan hệ chất lượng…thì tại sao ta không chịu làm tính CHIA?
Khi ta giỏi phép tính CHIA có nghĩa là chia sẻ những khó khăn cho mảnh đời bất hạnh, chia vui với thành công của người khác thì ta chợt nhận ra rằng mọi may mắn, thuận lợi đến với ta ngày càng nhiều hơn.
Vì ta đã cho (chia) nên ta ắt được nhận (dấu bằng).
3/ Nếu muốn đạt được những điều mình mong muốn hãy khéo léo dùng phép CỘNG.
Hãy cộng thêm giá trị cho khách hàng, cộng thêm những đức tính tốt, sự tử tế, cộng thêm sự bao dung độ lượng, và cộng thêm những tri thức, sức khoẻ, bình an…Khi cộng thêm liên lỷ đến một lúc tự khắc đủ nắng hoa sẽ nở thôi.
4/ Đời thay đổi khi mình thay đổi. Muốn bước lên nấc thang cao hơn phải biết buông bỏ bớt. Đó là lúc ta làm phép trừ.
Trừ đi tiêu cực, thói hư tật xấu, môi trường thiếu lành mạnh. Trừ đi tính ù lì, trì hoãn, trừ đi cách làm cũ không hiệu quả, trừ đi sự tham đắm, cầm giữ lỗi lầm của người khác….

Nếu chúng ta thành thục 4 phép tính trên sẽ đổi vận, chắc chắn cuộc đời mình sẽ lên tầm cao mới.
Hãy đảm bảo rằng: Học phải đi đôi với hành, đức tin mà không có việc làm là đức tin chết.